Trong lao động, đôi tay phải hoạt động liên tục và lâu dài. Điều này tạo áp lực quá tải lên các khớp bàn tay, gây ra các triệu chứng đau khớp cổ tay. Cơn đau khớp cổ tay có thể nhẹ nhàng, thoáng qua nhưng cũng có lúc đau âm ỉ, ảnh hưởng lớn đến hiệu suất công việc. Giải mã được nguyên nhân gây đau nhức khớp cổ tay sẽ giúp người bệnh sớm khắc phục và phòng ngừa tốt bệnh lý này.

Nguyên nhân gây ra đau nhức cổ tay

1. Đau cổ tay do sụn và xương dưới sụn bị tổn thương

Sụn và xương dưới sụn bị hư tổn là nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng đau cổ tay. Tổn thương cùng lúc của bộ đôi này thường gặp ở bệnh lý thoái hóa khớp. Theo quy luật tự nhiên, quá trình lão hóa diễn ra cùng các tác động cơ học như thường xuyên lặp lại động tác cổ tay, tổ chức khớp càng nhanh bị thoái hóa.

Giai đoạn đầu bệnh diễn tiến âm thầm, đến khi xuất hiện triệu chứng đau thì sụn khớp đã bị tổn thương, nứt vỡ và xương dưới sụn cũng bắt đầu có những phản ứng bất lợi, xơ hóa, khuyết xương hoặc mọc gai... gây đau nhức cho người bệnh. Thậm chí, nếu không được can thiệp kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ tàn phế.

Do đó, khi bạn hoặc người thân trong gia đình thường xuyên bị đau khớp cổ tay, không thể loại trừ nguy cơ thoái hóa khớp. Khi ấy, cần chủ động chăm sóc sụn và xương dưới ngay lập tức, để các khớp xương sớm được phục hồi, hết đau nhức, trả lại sự linh hoạt cho khớp cổ tay.

2. Đau cổ tay bắt nguồn từ hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay là một bệnh lý ngày càng gia tăng trong cuộc sống hiện đại, thường gặp ở giới văn phòng. Nguyên nhân của bệnh này chủ yếu là do sử dụng máy tính. Thao tác trên bàn phím và chuột máy tính thường xuyên gây ra căng thẳng bất thường và xuất hiện triệu chứng đau ở vùng khuỷu tay, vai, đặc biệt là đau cổ tay, có thể là đau khớp cổ tay trái hoặc đau khớp cổ tay phải.

Để khắc phục hội chứng ống cổ tay, người bệnh cần tránh các cử động lặp đi lặp lại nhiều lần của cổ tay và bàn tay. Những người thường xuyên làm việc với máy tính nên để bàn phím ngang tầm khuỷu tay hoặc thấp hơn một chút, có thể dùng miếng lót cổ tay khi đánh máy.

Người bệnh được khuyên nên dành thời gian nghỉ ngơi giữa giờ làm việc để cổ tay giảm áp lực. Chúng ta có thể tận dụng khoảng thời gian này để thực hiện bài thể dục thư giãn cổ tay theo cách chống bàn tay lên mặt phẳng bàn, tập gập căng cổ tay và giữ trong vài giây. Khi bạn đã thực hiện những lời khuyên trên nhưng tình trạng đau vẫn tiếp diễn, việc thăm khám chuyên khoa là cần thiết để người bệnh được cải thiện đúng phương pháp.

3. Bị đau khớp cổ tay do hội chứng De Quervain

Bị đau khớp cổ tay còn là biểu hiện của tình trạng viêm bao gân cơ dạng dài và duỗi ngắn ngón cái, gọi là hội chứng De Quervain. Bệnh lý này thường gặp ở những phụ nữ làm việc nội trợ, với biểu hiện đau cổ tay và phần dưới cẳng tay, ngay phía trên ngón cái. Những động tác lặp lại nhiều lần như cầm, nắm, xoay, vặn cổ tay và ngón cái sẽ là điều kiện thuận lợi làm cho tổn thương tiến triển nặng hơn. Nếu không được cải thiện, triệu chứng đau có thể lan lên cẳng tay và lan xuống ngón cái, làm giới hạn khả năng vận động của ngón tay cái.

Khi bị đau khớp cổ tay do hội chứng De Quervain, người bệnh nên tránh những động tác phải sử dụng cổ tay lặp đi lặp lại, dành thời gian nghỉ giữa chừng nếu phải thực hiện liên tục các động tác này. Người bệnh cần lưu ý, không được sử dụng bất kỳ một loại thuốc giảm đau nào khi chưa có sự chỉ định của chuyên gia chuyên khoa.

Ngoài việc nhận biết được nguyên nhân gây bệnh đau khớp cổ tay để có biện pháp cải thiện kịp thời, chúng ta cần quan tâm đến việc phòng bệnh để gia tăng chất lượng cuộc sống. Các chuyên gia xương khớp nhấn mạnh, các bệnh lý xương khớp nói chung và đau cổ tay nói riêng hoàn toàn có thể dự phòng qua việc chăm sóc cho bộ đôi sụn và xương dưới sụn từ sớm. Chúng ta nên duy trì một chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe xương khớp và tích cực vận động, đặc biệt là áp dụng những bài thể dục dành riêng cho cổ tay để củng cố sự chắc khỏe của sụn và xương dưới sụn.