Người tiểu đường nên và không nên ăn gì
Người mắc bệnh đái tháo đường nên hạn chế dùng gạo trắng, bánh mì trắng, miến, bột sắn dây, các loại củ nướng; thay vào đó là ngũ cốc nguyên hạt, gạo còn vỏ cám.

Với bệnh nhân đái tháo đường, luyện tập và chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh. Theo phó giáo sư Đỗ Trung Quân, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội), người bệnh nên hoạt động thể lực ở mức trung bình (đạt 50-75% nhịp tim tối đa) ít nhất 150 phút một tuần, thực hiện ít nhất 3 ngày mỗi tuần; không nghỉ tập quá 2 ngày; gia tăng dần cường độ và thời gian tập luyện.

Đi bộ là loại hình phổ biến và dễ thực hiện nhất, người bệnh cần đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày, không nghỉ quá 2 ngày. Đối với bệnh nhân lớn tuổi, có thể chia ra đi bộ quãng ngắn (như 10-15 phút, 3 lần một ngày).


Đái tháo đường đang trở thành đại dịch tại Việt Nam.


Về chế độ ăn, tiểu đường ăn gì lưu ý chia thành nhiều bữa, cụ thể: 3 bữa chính, có thể ăn thêm một hay 2 hay 3 bữa phụ (mỗi bữa phụ hàm lượng đường không vượt quá 15 g) tùy từng người bệnh. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị vì phải căn cứ vào loại thuốc đang uống/tiêm và chế độ tập luyện hàng ngày. Cố định giờ ăn, không bao giờ được bỏ bữa; ổn định lượng thực phẩm ăn vào, có điều chỉnh linh động theo hoạt động thể lực theo bác sĩ chỉ định.
Dưới đây là một số lời khuyên về thực phẩm nên dùng và hạn chế dùng:
- Nhóm bột đường:
+ Nên dùng: Ngũ cốc nguyên hạt, gạo còn vỏ cám, đậu đỗ, rau củ…; chế biến bằng cách hấp, luộc, nướng; hạn chế đồ rán, xào
+ Hạn chế dùng: Gạo trắng, bánh mì trắng miến, bột sắn dây, các loại củ nướng.
Chú ý: Các loại củ (khoai, sắn..) cũng thuộc nhóm tinh bột nên khi đã ăn các thực phẩm này thì phải giảm hoặc cắt cơm.

Mô hình đĩa mô phỏng chế độ ăn người bệnh
- Nhóm thịt cá:
+ Nên dùng: Ăn cá, thịt nạc, thịt lọc bỏ mỡ, gia cầm bỏ da; các loại đậu đỗ (đạm có nguồn gốc thực vật); chế biến bằng cách hấp, luộc, nướng, áp chảo… để loại bỏ bớt mỡ
- Nhóm chất béo, đường:
+ Nên dùng: Chọn các chất béo không bão hoà (dầu đậu nành, olive, vừng, dầu cá, mỡ cá…).
+ Hạn chế dùng: Các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hoà, cholesterol làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, không tốt cho sức khoẻ (thịt mỡ lợn, phủ tạng động vật, da gia cầm, kem tươi, dầu dừa…). Hạn chế bánh kẹo ngọt, kem, xirô, mứt, các loại nước ngọt có ga…
- Nhóm rau:
+ Nên dùng: Ăn sống, hấp, luộc; rau trộn nên sử dụng lượng dầu ăn nhỏ thay vì các loại nước sốt nhiều chất béo; có thể sử dụng các loại gia vị như hành, tỏi, tiêu, ớt…
- Quả:
+ Nên dùng: Ăn trái cây tươi, mua hoặc chia sẵn thành từng phần nhỏ, ăn nguyên trái hoặc cắt nhỏ hơn là nước ép. Chú ý không thêm đường hoặc kem, nước sốt; nên lựa chọn những hoa quả có hàm lượng đường thấp
+ Hạn chế dùng: Các loại quả sấy khô.
- Sữa: Cung cấp đường, đạm, canxi, vitamin và chất khoáng
Mỗi ngày sử dụng 1-2 khẩu phần (một khẩu phần chứa 12 g chất đường, 8 g đạm, 0-8 g chất béo, 90-150 kcal). Người bệnh nên chọn các loại sữa ít hoặc không béo, các loại sữa chua ít béo, không đường.